Đón bình minh miền cực Đông tổ quốc
Lặn lội xuyên qua bốn quả núi, cắm trại ngủ ven bờ biển, chúng tôi mong muốn sẽ dậy thật sớm, leo qua các rặng đá, đón bình minh ở điểm được cho là cực Đông của Việt Nam. Nhưng người tính không bằng trời tính…
Đón bình minh miền cực Đông tổ quốc
Mũi Đôi nằm trên bán đảo Hòn Gốm thuộc vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Dù chưa được nhà nước công nhận chính thức, nhưng theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, đây mới thật sự là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam, là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ nước ta. Để ra được Mũi Đôi, du khách sẽ phải đi theo Quốc lộ 1, tới chân đèo Cổ Mã thì rẽ theo hướng đi Đầm Môn. Từ Đầm Môn đi bộ ra Mũi Đôi mất khoảng bốn, năm tiếng đồng hồ, leo qua năm cây số đồi cát và băng tám cây số đường rừng. Tại đây, du khách nên gửi xe máy và đồ đạc không cần thiết tại nhà dân, nếu không, sẽ gặp phải trường hợp dở khóc dở cười như chúng tôi.
Vất vả chinh phục những đồi cát lớn
Đoàn chúng tôi ít người, chỉ có hai chiếc xe máy. Dù đã được khuyên bảo, nhưng ai nấy vẫn nhất quyết mang theo xe. Chặng đường đầu tiên từ đường nhựa vào là một con đường mòn, không biển báo, không nhà dân. Phía trước chỉ có vài đụn cây bụi. Cát nhiều, nhưng xe vẫn đi được. Cho tới khi chúng tôi nhìn thấy cả một đồi cát rộng, chính xác là những đồi cát vàng trải rộng thì mọi người nhảy khỏi xe, gài số 2. Đi đến đâu, cát cuốn theo bánh xe bay tít mù đến đó. Máy nóng ran. Đồi cát ngày càng cao hơn. Cát như muốn nuốt chửng cả bọn. Xe gài số 1. Bánh xe quay tít mù mà không di chuyển nổi. Trời nắng, cỡ 38 độ là ít.
Con đường đẹp như trong cổ tích
Đi tiếp không nổi, quay lại không xong. Chúng tôi chui vào một bụi cây gần đó, vừa thở vừa nghĩ xem phải làm sao bây giờ. Rồi, cả lũ quyết định liều: quăng xe lại, đi tiếp! Sau này chú Hai – người lo ăn nghỉ và dẫn đoàn cho chúng tôi vẫn hay trêu nhóm ba đứa là “bỏ của chạy lấy người”, dám bỏ nguyên hai con xe với đầy đủ… mũ bảo hiểm, đồ đạc trong lùm cây thấp lùm xùm giữa đồi cát nắng chói chang. Thực sự không còn lựa chọn nào khác. Chỉ biết cầu Trời khấn Phật sao cho không ai leo lên đồi cát nhấc hai chiếc xe về mà thôi.
Biển Khánh Hòa xanh ngăn ngắt
Nhà chú Hai là một cái chòi xinh xắn nằm sát bờ biển. Chú và vợ dựng chòi, mang đồ đạc từ trong thành phố vào đây. Những bữa ăn cô chú chuẩn bị cho các đoàn rất đơn giản nhưng ngon và chắc bụng. Chúng tôi nhập vào một đoàn khác rồi cùng xách balô lên và đi, khi đồng hồ chỉ 3 giờ chiều. Đường vào Mũi Đôi với dân hay leo núi phía Bắc được đánh giá là dễ đi. Các con dốc dựng đứng, nhưng đường nhiều cát, nên dễ di chuyển dù nắng hay mưa. Dốc tuy cao nhưng không nhiều đá như các ngọn núi phía Bắc, chân đi không bị tức và nhanh căng cơ. Chúng tôi đi rất nhanh. Khoảng 6 giờ tối đã tới bãi Rạng – điểm nghỉ chân đêm nay.
Đường vào nhà chú Hai chỉ có cát và cát, rất xa mới có một bóng nhà
Mọi người bắt đầu căng lều nghỉ ngơi. Đã 6 giờ chiều nhưng trời vẫn còn sáng. Chỉ nửa tiếng sau khi cả bọn đặt chân đến bãi Rạng, trời bắt đầu nổi gió. Đến 8 giờ tối, gió mạnh hơn, sóng cũng mạnh hơn. Mây kéo về che hết trăng. Lất phất có hạt mưa. Chúng tôi chui vào lều mong tìm được giấc ngủ sớm. Đang thiu thiu thì đột nhiên mưa rào rào trút xuống.
Bão về. Mưa ngày một lớn. Gió thổi mạnh tới mức chúng tôi lo mấy cái cọc lều bị bật lên. Lều dành cho ba người, nhưng quân số sau đó tăng lên thành… sáu, thêm một chú dẫn đường và hai em nhóm bên kia bị sập lều. Chúng tôi ngồi cả dậy, nép vào một bên góc lều vì nước mưa bắt đầu tràn vào. Sáu người co ro trong hai phần ba chiếc lều dành cho ba người, vừa ôm nhau run lẩy bẩy, vừa tưởng tượng nếu cái lều này sập nốt thì phải làm sao.
Đường ra mũi
Mưa bão, đồng nghĩa với không còn bình minh để mà… săn. Trời mù mịt mây, 6 giờ sáng vẫn âm u như thể 6 giờ chiều. Các thành viên vô cùng tiếc nuối bởi mới chiều hôm trước còn nắng chói chang, mà hôm nay gần tới nơi lại chẳng thể đón bình minh như dự kiến. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đi tiếp cho hành trình trọn vẹn.
Bỏ xe, đi bộ vào
Đoạn đường còn lại từ bãi Rạng ra Mũi Đôi khá ngắn, đi khoảng 30 phút, vượt qua các tảng đá lớn, nhiều đoạn khá hiểm trở. Chúng tôi phải vận dụng khả năng leo trèo và… chui lủi của bản thân để đi nốt chặng cuối này. Gió to nên biển động dữ dội. Mọi người vừa đi vừa nghiêng ngả, vừa đi vừa liếm môi mình thấy mặn chát.
Băng qua 8km đường rừng
Mốc cực Đông nằm trên một tảng đá rất to. Chúng tôi phải leo lên bằng dây thừng để có thể chạm vào cục inox ấy. Sóng biển dữ dội đánh vào đá, tung bọt trắng xóa ngay dưới chân. Tay bám vào dây thừng đu lên mà người nào cũng lo ngay ngáy, nhỡ trượt chân trượt tay là nằm dưới biển khơi, không thì cũng rơi vào đá. Leo lên tới nơi, cả bọn không đứa nào dám đứng lên vì gió to quá, sợ bị… thổi bay xuống nước. Tất cả nằm rạp xuống, bò ra gần mốc. Lúc này mới dám bỏ điện thoại ra chụp ảnh tơi bời. Tóc tai, mặt mũi, áo quần bám đầy hơi nước biển.
Chạm tay vào cột mốc được cho là cực Đông của Tổ quốc
Thời tiết xấu, chúng tôi không dám ở lại lâu. Chặng đường về khó khăn hơn vì gió mạnh. Về tới nhà chú Hai, cả bọn lao vào mâm cơm ăn như chết đói, rồi nằm vật ra võng ngủ một giấc không biết trời đất là gì. Hai giờ chiều chúng tôi thu dọn đồ đạc, tạm biệt cô chú rồi trở ra. Cứ tưởng khó khăn đã hết, nhưng không phải. Lần đầu tiên trong đời cả bọn được nếm trải “mùi vị cú tát của cát”. Gió mạnh, thổi ngược chiều hất cát tát vào da thịt đau điếng. Chúng tôi kéo mũ lên, đeo khẩu trang vào, vừa đi vừa cúi gằm, không biết phía trước có gì nữa cho đến khi ra tới đồi cát phía ngoài.
Lúc này, ba chị em tôi nhìn thấy con xe vứt chỏng chơ ngày hôm trước vẫn còn nguyên vẹn gần lùm cây dại mà mừng phát khóc. Có lẽ không lần nào trong đời chúng tôi có thể bất cần và liều mạng như thế được nữa…
St.
Bình luận (0)