Du lịch An Giang khám phá Núi Cấm Tri Tôn, chợ Châu Đốc
Châu Đốc được xem là một trong những trung tâm du lịch của An Giang. Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp của các ngọn núi với những câu chuyện tâm linh huyền bí mà còn ở những món đặc sản trứ danh vô cùng mộc mạc. Nếu có dịp về An Giang, bạn hãy một lần ghé chợ Châu Đốc và Núi Cấm Tri Tôn để trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất của vùng đất Bảy Núi này nhé.
Núi Cấm được biết đến với khá nhiều tên gọi như “Núi Ông Cấm”, “Thiên Cấm Sơn”, “Thiên Cẩm Sơn” là ngọn núi đẹp nhất và cao nhất ở An Giang. Núi Cấm có độ cao 705m so với mặt nước biển và có diện tích lên đến 28.600m. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây.
Khám phá Núi Cấm - Ngọn núi của sự linh thiêng với nhiều truyền thuyết, sự tích ly kỳ khó tả
Không những thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà Núi Cấm còn ở sự linh thiêng của ngọn núi với những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí của thế giới tâm linh.
+ Câu chuyện thần Bạch Hổ hiển linh ở núi Cấm
Chuyện kể rằng, ngày xưa có ông Đạo Điện tu tiên đắc đạo đã cứu sống và nuôi một con bạch hổ trong am cùng tu hành với ông sau khi dân làng đã tiêu diệt hết tất cả những con hổ đến quấy phá làng. Sau khi được tu hành, bạch hổ dần khai mở linh trí của mình. Nhưng những con vật bị bạch hổ giết hại trước đây không được siêu thoát được. Chúng trở thành các oan hồn độc ác, tìm cách hại người khác và đặc biệt tìm cách trả thù bạch hổ. Chúng xúi dục một nhóm người dân đến giết bạch hổ, vì can ngăn nên ông Đạo Điện cũng bị làm hại. Thấy vậy bạch hổ xông ra ngăn lại, nhưng nó càng đẩy lòng căm thù của những người dân có người thân từng bị nó giết hại lên cao. Họ bắn tên độc, dùng dao chém khiến bạch hổ dần bị mất máu mà chết.
Tuy vậy, dù bạch hổ đã mất nhưng vẫn không ngăn sự độc ác của lũ yêu ma lại. Bọn chúng vẫn tiếp tục gây hại nhân gian. Lúc ấy, ông Đạo Điền bèn truyền đệ tử của mình cách bắt những yêu ma nhiễu loạn nhân gian. Sau đó ông dụ những yêu ma ấy vào nơi ở của mình. Sau đó ông ra tay thu phục chúng mà không tiêu diệt chúng hoàn toàn. Ông muốn tích một phần âm đức để tiễn đưa bạch hổ ra đi. Ngày hôm sau, người đệ tử của ông Đạo Điền mơ thấy đàn bạch hổ quay về vui đùa bên bàn thờ bạch hổ. Đến sáng hôm sau, người đệ tử vội thu dọn bàn thờ bạch hổ và xương cốt của nó về lập miếu thờ. Đặc biệt, sau khi lập miếu thờ, xung quanh đó mưa thuận gió hòa, mùa màn bội thu. Người dân cho rằng bạch hổ đã thành Thần và luôn tôn kính thờ phụng. Người ta còn đặt hang động mà bạch hổ trước đây sống là Điện Ông Hổ.
+ Câu chuyện vua Nguyễn Ánh cư ngụ khi tránh quân Tây Sơn và tên gọi “Núi Cấm”
Tương truyền vua Nguyễn Ánh trước đây khi bại trận, để lẫn tránh quân Tây Sơn, ông đã trốn vào núi cao. Ông đã cho quân đồn trú ở đây, tạo các chông bẫy để phòng quân Tây Sơn. Vì để tránh người dân bị làm hại bởi bẫy và làm lộ vị trí của mình, ông ra lệnh cấm người dân lên núi. Từ đó, người dân còn gọi đây là núi Cấm.
Các trải nghiệm thú vị khi tham quan Núi Cấm
Không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng của Châu Đốc, Núi Cấm còn có rất nhiều phong cảnh hữu tình mang đến cho khách du lịch nhiều trải nghiệm khó quên.
+ Trải nghiệm cáp treo săn mây, đón gió trên đỉnh Núi Cấm
Núi Cấm có độ cao là 705m so với mực nước biển, vì vậy cảm giác ngồi cáp treo dần dần đưa lên cao với vận tốc chậm rãi thực sự mang đến cho du khách cảm giác thú vị khi được ngắm toàn cảnh Châu Đốc từ cabin. Nếu may mắn đi vào những ngày trời nhiều mây hay sương mù, bạn còn được trải nghiệm cảm giác “săn mây” mà chẳng cần phải đến tận vùng Tây bắc xa xôi.
+ Tham quan chùa Phật Lớn
Tại núi Cấm An Giang có rất nhiều địa điểm tham quan tâm linh, trong đó nổi bật nhất là chùa Phật Lớn, các bạn có thể ghé qua nơi đây để cầu bình an và may mắn. Ngôi chùa này được tạo dựng vào năm 1912 trên một khoảng đất nằm gần đỉnh núi Cấm, sau này người ta có tu sửa lại. Được gọi là chùa Phật Lớn là vì trong chùa có thờ một tượng Phật Di Lặc rất lớn, có chiều cao hơn 33.6m, nặng khoảng 600 tấn, trong tư thế ngồi đang mỉm cười nhìn du khách. Đây là bức tượng đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là bức tượng Di Lặc lớn nhất Việt Nam. Gần chùa có hồ Thủy Liêm được xem là một trong những địa điểm thơ mộng khó du khách nào có thể chối từ ghé thăm và đi tản mát.
+ Hồ Thủy Liêm
Từ góc nhìn của hồ các bạn cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bảo tháp Xá Lợi phật nằm uy nghiêm với kiến trúc độc đáo và thả cá phóng sinh.
+ Viếng Điện Bồ Hông
Một địa điểm thăm thú sở hữu cái tên có đôi phần kì lạ các bạn có thể ghé qua thăm viếng tại núi Cấm có tên là Vô Bồ Hông (hay còn gọi là Điện Bồ Hông). Đặc biệt trong số các ngọn đồi ở núi Cấm An Giang thì đồi Vô Bồ Hong chính là ngọn đồi cao nhất. Trên Điện này có thờ tượng Ngọc Hoàng nổi tiếng linh thiêng, hàng năm có rất đông người đến tham quan và chiêm bái.
Mua sắm và thưởng thức các món đặc sản ở chợ Châu Đốc
Chợ Châu Đốc An Giang là một “thiên đường ẩm thực” độc đáo, nơi đây không những là điểm buôn bán của người dân địa phương mà còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
+ Thưởng thức bún cá – Món ngon trứ danh của An Giang
Chợ nổi tiếng với những món đặc sản An Giang vô vùng hấp dẫn như bún mắm, bún nước lèo, mì quảng, hủ tiếu khô... Đặc biệt là bún cá. Khác với các loại bún ở những địa phương khác, món bún cá Châu Đốc còn có thêm ngải bún và cách chế biến cũng mang nét rất riêng. Để có được một nồi bún cá ngon, cần chuẩn bị nguyên liệu cho thật tươi ngon như: cá lóc tươi, nghệ tươi, ngải bún, sả cây, mắm ruốc và cả những loại rau ăn kèm rất phong phú. Không thể thiếu là bông điên điển, một loại bông đặc trưng chỉ có ở miền Tây và thường chỉ có vào mùa nước nổi.
+ Bánh bò thốt nốt
Thốt nốt là loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi (An Giang) được người dân sử dụng và chế biến thành nhiều món ăn, trong đó có bánh bò thốt nốt. Bánh bò thốt nốt không dùng đường cát trắng hoặc cát vàng để tạo màu tạo vị mà dùng hoàn toàn bằng đường thốt nốt nên mùi vị đặc trưng, thơm ngon quyến rũ vì đường thốt nốt có vị ngọt thanh, beo béo, không ngán.
Chiếc bánh bò thốt nốt có màu vàng ươm đặc trưng của đường thốt nốt, bánh nở mềm, xốp trông như hoa nhờ gạo ngon, ủ khéo và vị ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm thoang thoảng đặc trưng của bột được mài từ trái thốt nốt xông lên tận mũi, không lẫn vào đâu được, khiến ai đã từng thưởng thức một lần không bao giờ quên được hương vị chỉ có ở vùng đất quê hương Bảy Núi.
+ Mắm – Đặc sản làm quà độc đáo
Nhờ nằm ngay ngã ba sông Hậu (một trong 2 nhánh của sông Mê Kông) nên Châu Đốc có nguồn cá rất đa dạng và phong phú. Vì thế đặc sản nổi tiếng nhất nơi đây là mắm cá. Theo bà con làm nghề ủ mắm ở Châu Đốc cho biết thì bất cứ loài cá nào cũng có thể làm mắm được. Nhưng theo kinh nghiệm của làng nghề thì chỉ có một số loài cá như cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt, cá linh... làm mắm là thơm ngon, do thịt cá có độ dai của sớ, khi đem làm mắm mới đạt chuẩn của mắm ngon. Mắm các được chế biến thành rất nhiều món, và mỗi món phải chọn đúng loại mắm thì hương vị mới thật trọn vẹn. Với các món như lẩu mắm, mắm kho thì dùng mắm cá sặc, cá linh. Còn mắm chưng thì phải dùng mắm cá lóc chưng với thịt băm nhuyễn cùng với củ hành đỏ, hành tây và trứng thì món ăn mới chuẩn vị.
Bên cạnh những con mắm cá mặn mòi thì vùng đất Châu Đốc còn có món mắm Thái được rất nhiều người ưa chuộng và hay hay chọn mua về làm quà mỗi khi có dịp du lịch An Giang. Mắm Thái có vị hơi ngọt nét đặc trưng của ẩm thực Nam Bộ nhưng bên trong lại hơi mặn rất thích hợp ăn với cơm trắng, đặc biệt là ăn vào những ngày mưa. Đây cũng là loại mắm dễ ăn nhất và hấp dẫn nhất vì cách ăn khá đơn giản. Chỉ cần vài trăm gram mắm thái, bún, thịt ba rọi luộc, rau sống và bánh tráng là có thể ăn ngay mà không phải chế biến gì cả.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận (0)