Hội An quyến rũ dưới ánh đèn lồng

Hội An được coi là cái nôi của đèn lồng thuần Việt. Những chiếc đèn lồng đã trở thành một phần hồn, một nét độc đáo làm nên sắc màu của phố Hội.
Cũng là phố cổ nhưng Hội An không ồn ào và tấp nập như 36 phố phường Hà Nội, bất cứ khi nào và bất cứ gốc phố nào ở Hội An cũng toát lên vẻ khiêm nhường, dung dị một cách lạ thường. Cùng với những giàn hoa giấy điểm tô cho bức tranh sơn son thếp vàng từ những ngôi nhà mái ngói rêu phong của phố cổ là những chiếc đèn lồng rực rỡ.


Đèn lồng giăng khắp lối

Khi các ánh đèn điện chiếu sáng trên các tuyến phố đi bộ được tắt cũng là lúc Hội An lung linh sắc màu bởi những chiếc đèn lồng truyền thống được thắp lên sáng rực. Dường như ở Hội An có thể thiếu nhiều thứ khác, nhưng nhất định không bao giờ thiếu vắng bóng dáng đèn lồng. Nghe mọi người bảo nhau rằng, tình yêu sâu đậm người Hội An dành cho vật phẩm quê hương này là vô tận. Có lẽ vì thế mà khi quay sang trái, ngó bên phải, nhìn lên trên hay xuống dưới, hướng về phía trước mặt hay quay lại phía sau, đâu đâu cũng bắt gặp những chiếc đèn lồng đủ hình dạng, kích thước, màu sắc lung linh, rực rỡ.
Đèn lồng được bán nhiều ở các cửa hàng bên trong khu phố cổ, nhưng tập tung nhiều nhất là ở khu vực phía nam. Đi từ khu phố cổ phía bắc, dọc đường Bạch Đằng theo bờ sông Hoài, qua cầu An Hội tới phố Nguyễn Phúc Chu du khách sẽ thấy một góc bên sông luôn rực sáng bởi sắc màu của những chiếc đèn lồng.


Mỗi chiếc đèn lồng là một tác phẩm hội họa

Nghề làm đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ 16. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có 400 năm tuổi và ngày càng hoàn thiện theo thời gian. Từ chiếc đèn lồng khung tre bọc vải, đèn lồng Hội An đã đa dạng về kích cỡ và hình dáng, màu sắc cũng tùy từng loại mà mang ý nghĩa khác nhau. Nếu như màu đỏ tươi biểu thị cho sự may mắn, ấm áp, màu vàng thể hiện tinh thần vui tươi, lạc quan thì màu gấm huyết dụ lại toát lên vẻ sang trọng, kiêu sa và tinh tế. Chất liệu vải bọc ngày nay đủ loại từ bình dân đến cao cấp, từ giấy, vải xoa đến lụa tơ tằm, nhung, gấm…
Cũng như những nghề thủ công truyền thống khác, nghệ nhân làm đèn lồng đòi hỏi phải có tính cẩn thận, cầu kỳ, tinh tế và chậm rãi như chính nhịp sống bình yên của phố Hội bao đời nay. Những chiếc đèn lồng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân còn được chạm trổ những tích truyện cổ nổi tiếng. Mỗi hình vẽ, nét chữ trên đèn lồng như một tác phẩm hội họa thực sự chứa đựng cả một kho tàng văn hóa quý báu.


Đèn lồng gắn liền với đời sống người dân

Đèn lồng luôn xuất hiện trong các nghi lễ, lễ hội và cuộc thi đèn lồng là một phần hoạt động trong các dịp lễ hội ở Hội An. Và cứ vào ngày rằm âm lịch mỗi tháng, đến Hội An du khách sẽ bắt gặp một phố Hội lộng lẫy, kiêu sa với ánh đèn. Các hàng quán trong phố cổ đều thắp sáng bằng đèn lồng. Trên dòng sông Hoài, dòng người đông đúc đổ về, nhẹ nhàng thả từng chiếc đèn hoa đăng khắp mặt sông, nguyện cầu điều bình an. Khoảnh khắc ấy, mọi ồn ào, xô bồ của cuộc sống ngoài kia như trôi vào quên lãng, không gian tĩnh lặng và sự bình yên, ấm áp lan tỏa.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ:

Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn

Bài viết cùng danh mục:

Bình luận (0)

Viết Bình luận