Tháp Bà Ponagar và những tháp chàm nổi tiếng nhất Việt Nam
Tháp Chăm hay còn gọi là Tháp Chàm, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm). Các Tháp Chàm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa, điển hình là Tháp Bà Ponagar
Tháp Bánh Ít
Ảnh: Phan Nguyen Khiem
Tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, còn có tên gọi khác là tháp Bạc. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, tháp chính cao 22m, trông xa giống như chiếc bánh ít. Tháp có cửa chính quay về hướng Đông. Vòm cửa được tạo dáng mũi lao hai lớp thu nhỏ về phía trên với các hoa văn hình xoắn nối kết nhau.
Đặc trưng của các cụm tháp tại đây là hoa văn, phù điêu bằng đá được trang trí trên các vòm cửa. Các bức phù điêu chạm khắc hình vũ nữ nhảy múa, tượng thần Silva, Ganesa bằng đá; tượng nữ thần Uma, tượng thần Bhama bằng đồng.
Tháp Dương Long
Dương Long là cả một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, dóng thẳng hàng theo trục Bắc – Nam. Khác với tháp còn lại ở Bình Định, nền móng của tháp có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh rộng chừng 12m, nhưng được tạo bởi nhiều đường gấp khúc nên giống như một hình đa giác.
Tháp cao tới 30m, chia làm ba phần rõ rệt. Đế tháp cao vững chắc, thân tháp cao vút, trên mặt tường trang trí các trụ ốp để trơn nâng toàn bộ mái tháp. Cửa chính tuy đã bị sạt lở nhưng căn cứ vào dấu vết còn lại và những tư liệu gián tiếp có thể thấy vòm cửa được tạo dáng hình mũi lao tù vút lên phía trên với nhiều lớp liên tiếp chồng xếp lên nhau. Hai trụ cửa làm bằng đá trên đầu được trang trí tượng chim thần Garuda chân quắp hai đầu rắn. Các cửa giả mô phỏng cửa chính nhưng nhỏ hơn và mức độ nhô ra khỏi thân tháp cũng ít hơn. Thay vì hình Garuda, trên đỉnh trụ trang trí hình lá nhĩ, vòng ngoài là thân rắn uống quanh, bên trong là mặt kala dữ tợn, miệng khạc ra rắn bảy đầu uống lượn rất sinh động.
Tháp Đôi
Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13. Tháp được trùng tu năm 1996. Tháp Đôi còn được gọi là tháp Hưng Thạnh, gồm 2 tháp, một tháp cao 18m và một tháp cao 20m. Tháp đôi được gọi là "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Cả hai tháp không phải là tháp vuông nhiều tầng thường thấy của tháp Chăm mà là một cấu trúc gồm 2 phần chính: Khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thần Garuda hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ tháp. Tháp Đôi ảnh hưởng nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ giáo. Tháp được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1980.
Tháp Bà Ponagar
Khu di tích Tháp Bà Ponagar là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm-pa quy mô nhất còn lại ở miền Trung. Tháp được xây dựng từ khoảng thế kỷ 12-13, nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50m. Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc.
Tháp Poklong Garai
Tháp Poklong Garai được người Chăm xây trên đỉnh Đồi Trầu vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 để tưởng nhớ Poklon Giarai, vị vua đã có công trong việc dẫn thuỷ, hạ điền của địa phương. Quần thể tháp hiện còn 3 tháp là tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính (khi xây dựng là 5 tháp). Tháp Chính cao hơn 21m, mỗi cạnh dài 10m, gồm 4 tầng, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, tận cùng bằng một linga đá.
Tháp Poshanư
Tháp Poshanư được coi là công trình chứa nhiều tinh hoa kiến trúc của người Chăm -pa cổ nhất, được xây dựng từ thế kỷ 9, thuộc phong cách Hòa Lai – là một trong số nhiều phong cách nghệ thuật cổ của Chăm-pa. Khi mới xây dựng, tháp Chàm Poshanư được coi là công trình vĩ đại và là biểu tượng của Vương quốc Chăm-pa thời đó.
Ngày nay, Tháp Chàm Poshanư vẫn còn giữ lại khá nguyên vẹn những kiến trúc tinh hoa mà người Chăm cổ để lại. Cụm kiến trúc tháp Chàm này được xây bằng gạch đỏ và gắn kết bởi một chất kết dính đặc biệt, các cửa tháp có hình vòm cuốn, mặt bằng tháp hình vuông, hình dáng tháp thu nhỏ dần khi lên cao, bề mặt được chạm khắc nhiều hoa văn tinh tế, cột trụ tròn…
Tháp Nhạn
Tháp Nhạn nằm trên đỉnh núi Nhạn và là hình ảnh tiêu biểu của du lịch Phú Yên. Nhìn từ xa, núi rất giống hình chim nhạn đang thu mình chuẩn bị bay lên. Tháp được dựng lên từ vào thời chúa Nguyễn Hoàng khoảng từ năm 1578-1580. Kiến trúc của tháp gồm ba phần mà theo quan niệm của người Chăm tượng trưng cho trần tục, tâm linh và thần linh. Trải qua biến động và thời gian, tháp bị hư hại khá nhiều. Tuy nhiên, những hoa văn trên tháp vẫn còn sắc nét, thể hiện trình độ kiến trúc điêu luyện của người xưa.
Cụm tháp chàm ở Thánh địa Mỹ Sơn
Đây là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm-pa trong một thung lũng đường kính khoảng 2km, bao quanh bởi đồi núi. Khu Thánh địa gồm nhiều cụm tháp khác nhau, mỗi cụm tháp này đều có một tháp chính (được gọi là kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ hơn bao bọc xung quanh. Hiện Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á, và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Điểm lạ tại đây là hầu hết các tượng đều mất đầu. Có rất nhiều giả thuyết cho điều này. Được tán thành nhiều nhất là giải thích những người dân Chăm-pa cổ khi quyết định rời khỏi vùng đất này đã mang đầu của các bức tượng đến nơi định cư mới để thờ cúng.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận (0)