Về miền Tây trải nghiệm chèo thuyền khám phá Rừng tràm Trà Sư
Thu hút khách du lịch bằng vẻ đẹp hoang sơ đầy mê hoặc, Châu Đốc (An Giang) không chỉ là điểm hành hương với vô số ngôi chùa miếu linh thiêng, mà còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà nổi tiếng nhất trong số đó là Rừng tràm Trà Sư.
Trên đường đến An Giang, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây Cầu Vàm Cống – cầu dây văng đẹp nhất tỉnh Đồng Tháp.
Ngắm cầu Vàm Cống
Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Vàm Cống khoảng 3km về phía hạ lưu. Cầu có chiều dài 2.97km, rộng hơn 26m, có quy mô 6 làn xe cho phép lưu thông với vận tốc thiết kế 80km/h Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37.5m. Trụ tháp cao 143.9m. Đây cũng là cầu dây văng dầm thép có nhịp dài, hiện đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Không những có vị trí địa lý quan trọng, cầu Vàm Cống còn ghi điểm với hội xê dịch nhờ không gian ảo diệu dưới gầm cầu.
Viếng Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
Ảnh: @freelancehama
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, mà ngay cả người Việt ở nước ngoài vẫn biết đến. Theo truyền thuyết kẻ lại, cách đây khoảng 200 năm, người dân địa phương tại Châu Đốc đã phát hiện ra tượng Bà ở trên đỉnh núi Sam và muốn đưa xuống. Tuy nhiên, mấy chục thanh niên cường tráng định khiêng tượng Bà nhưng không được. Sau đó qua miệng bà “cô Đồng” bảo chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng xuống. Nhưng đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch không thể đi nữa. Người dân nghĩ Bà chọn nơi đây để an vị ở đây và đã lập miếu tôn thờ.
Ngày trước miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm quay về hướng tây bắc, phần lưng thì quay về vách núi, còn chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng. Vào năm 1870, miếu được người dân xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Trong 4 năm từ 1972 đến 1976, miếu Bà được hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng tái thiết lớn tạo nên dáng vẻ như hiện nay.
Miếu Bà có bố cục kiểu chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Đặc biệt, bức tượng phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện gần như được giữ nguyên như cũ. Bên trong miếu thì lại được thiết kế và trang trí mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Các cánh cửa miếu được các nghệ nhân chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Đặc biệt, nhiều liễn đối và hoành phi ở nơi đây cũng được dát vàng son rực rỡ.
Ngắm bình minh ở Victoria Núi Sam Lodge
Tọa lạc tại khu vực núi Sam, Victoria Núi Sam Lodge được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng ở miền Tây. Không gian thiết kế theo phong cách tối giản, hòa quyện với thiên nhiên. Các phòng nghỉ sở hữu ban công rộng, du khách có thể hướng tầm nhìn ra những cánh đồng lúa “cò bay thẳng cánh” trải dài xung quanh. Đặc biệt, khu vực hồ bơi vô cực là góc được nhiều tín đồ "sống ảo" ưa thích.
Đến hồ bơi vào buổi sáng, bạn có thể nhâm nhi tách cà phê thơm nồng nàn, tựa mình cạnh hồ bơi chiêm ngưỡng khoảnh khắc diệu kỳ của thiên nhiên. Ngắm nhìn bình minh, đồng lúa bỗng dưng bừng sáng lấp lánh, ánh lên những ánh sáng trong bụi nắng vàng, tỏa rực cả một vùng trời.
Vào mùa nước nổi, bạn sẽ được ngắm nhìn đồng ruộng nơi đây ngập nước tựa như mảnh gương khổng lồ bị chia cắt thành từng mảnh với hình dạng, kích thước khác nhau phản chiếu bầu trời xanh bồng bềnh với những đám mây trắng và cảnh vật xung quanh. Đến mùa cấy, đồng lúa chuyển sang màu xanh mơn mởn chạy ngút tầm mắt trông thật xanh mát. Rồi đến mùa lúa chín, bức trang nơi đây sẽ được phủ lên mình một chiếc áo vàng ươm đẹp đến ngỡ ngàng.
Chèo thuyền du ngoạn Rừng tràm Trà Sư
Với diện tích lên đến 845ha nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú, Rừng tràm Trà Sư là điểm du lịch sinh thái tuyệt vời với nhiều loài động vật quý hiếm. Đây là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có hai loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò lạo Ấn Độ (Giang Sen) và cò cổ rắn (Điêng Điểng). Hệ sinh thái cũng rất phong phú với 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản, trong đó có 2 loài có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá trê trắng và cá còm. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn rất đa dạng về thực vật với 140 loài thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có gần 80 loài dược liệu. Với không gian bạt ngàn màu xanh của tràm cùng với bức tranh muôn màu muôn vẻ của hệ thống thực, động vật… rừng tràm Trà Sư không chỉ là điểm đến khó thể bỏ qua đối với du khách, mà còn được được đánh giá có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn gì tuyệt vời hơn việc chẳng cần suy nghĩ gì cả, cứ thả mình theo chiếc thuyền gỗ trôi theo dòng nước, đắm chìm dưới bóng mát của cây tràm. Trên đầu là lá, dưới thuyền là thảm bèo li ti dập dềnh theo làn nước, thiên nhiên như ôm trọn con người vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về với tiếng chim ríu rít trên cao, thứ âm thanh nổi bật trong cái yên tĩnh mà bình yên mà ta khó lòng tìm thấy nơi đô thị bộn bề.
Đặc biệt, bạn có thể tìm được rất nhiều góc "sống ảo" mang đậm màu sắc điển hình vẻ đẹp miền Tây Nam Bộ ở đây. Để phục nhu cầu đi lại ở rừng tràm, nơi đây đã xuất hiện bến tàu với thiết kế độc đáo, mới lạ. Với nhiều mô hình tổ chim trên cao ngộ nghĩnh, khu rừng sẽ giúp bạn có được bộ ảnh chất lượng. Ngoài ra, vì đây là nơi làm tổ của chim bồ câu nên thỉnh thoảng bạn sẽ thấy những đàn chim sà xuống trông rất thích mắt, lên hình tự nhiên.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận (0)