Cao lầu, bánh mì Hội An – Đặc sản nức danh phố Hội
Phố cổ Hội An nổi tiếng trên thế giới không chỉ bởi một vẻ đẹp cổ kính, nên thơ đặc trưng mà còn ở nền ẩm thực đặc sắc, đậm chất xứ Quảng. Trong đó “Cao lầu Hội An” và “Bánh mì Hội An” là 2 món ăn đã làm nên tên tuổi của ẩm thực Hội An trong lòng thực khách thập phương.
BÁNH MÌ HỘI AN
Đây là một trong những món ăn làm nên tên tuổi của ẩm thực Hội An ra thế giới. Ổ bánh mì Hội An không giống bánh mì những vùng khác, nó hơi dài dẹt và nhọn ở hai đầu. Thế nên khi bỏ nhân vào, phần nhân phồng lên, ổ bánh kẹp không hết, khiến ổ bánh mì nhìn “ngồn ngộn” và đã con mắt vô cùng. Trong đó rau củ, nước sốt bơ và tương ớt Hội An được xem là những thành phần mang đến vị ngon cho chiếc bánh. Nhờ bàn tay khéo léo của các chủ cửa hàng, những chiếc bánh mì thơm ngon sẽ làm cho người thưởng thức cảm nhận được hương vị hấp dẫn mà không đâu sánh bằng.
Bánh mì Phượng
Bánh mì Hội An cũng là một thứ đặc sản mà ai từng đặt chân đến vùng đất này đều đem lòng thương nhớ. Và hẳn nhắc đến bánh mì Hội An, ai cũng nghĩ đến bánh mì Phượng nổi tiếng từng được các chuyên gia ẩm thực nước ngoài ca ngợi.
Nằm trên con đường của những quán ăn lịch sử ở Hội An - Phan Châu Trinh, số 2B, quán bánh mì Phượng không bao giờ vắng khách từ 6h – 22h tất cả các ngày trong tuần. Menu ở đây cũng rất đa dạng với hơn 20 loại nhân bánh khác nhau cho thực khách lựa chọn: bánh mì kẹp thịt, giò chả, pate, gà với bơ và salad, pho mát và hành tây, thịt bò cuộn pho mát, thịt xông khói, thập cẩm…
Tuy nhiên, điểm hấp dẫn thực khách của những ổ bánh mì nhỏ bé ấy là nước sốt. Bánh mì Phượng được phủ một thứ nước sốt tự làm theo công thức bí mật vô cùng đặc biệt. Nó khiến cho người ăn cứ quyến luyến mãi cái hương vị món ngon ấy, thậm chí còn không để sót một giọt sốt dính ra tay.
Bánh mì bà Khánh
Bánh mì Hội An còn có một địa chỉ nổi tiếng không kém bánh mì Phượng đó là bánh mì bà Khánh. Nằm trên đường Trần Cao Vân, hơi xa khỏi khu phố cổ một chút, quán của Madame Khánh không hoành tráng và có lượng khách xếp hàng đông như bánh mì Phượng nhưng tại đây, bạn có thể mua một ổ bánh mì nhanh chóng với mức giá rẻ hơn. Món ăn ghi điểm bởi loại nước sốt cay đặc biệt, hòa quyện phần nhân đầy đặn gồm trứng, thịt xá xíu, pate... béo ngậy.
CAO LẦU HỘI AN
Cao lầu đã chẳng còn quá xa lạ gì với khách du lịch Hội An, là món ăn đặc sản gắn liền với phố cổ. Tuy đã có từ rất lâu về trước, trải qua các thời kỳ cùng sự biến đổi của môi trường xã hội nhưng người ta vẫn giữ được những nét truyền thống cùng các hương vị rất đặc trưng riêng biệt của cao lầu. Thoạt nhìn, cao lầu hơi giống mì quảng vì sợi mì vàng thuôn dày cùng với thịt rau. Nhưng khi nếm thử lại hoàn toàn khác biệt. Sợi cao lầu dai hơn rất nhiều, lại chỉ dùng thịt xíu, nước tương màu hơi đen.
Nét tinh tế, tỉ mỉ thể hiện qua từng sợi mì
Để chế biến được tô cao lầu ngon người đầu bếp phải tỉ mỉ, cẩn thận tới từng bước nhỏ. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột rồi dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa vặn, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
Thưởng thức cao lầu đúng cách
Cao lầu thường được ăn cùng với bánh đa, giá đỗ trần qua nước sôi vừa chín tới, thêm gia vị đầy đủ, tép mỡ thái chỉ, thịt xá xíu và thêm một ít rau ghém. Rau ghém trong món cao lầu ở Hội An thường được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng sạch và thơm ngon. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi thưởng thức cao lầu người ta cảm nhận đầy đủ được mùi ngầy ngậy của tép mỡ hòa cùng vị thơm ngọt thịt xá xíu, cảm giác sựt sựt của sợi mì, quyện cùng đủ mùi vị cay nồng, đắng, chát của rau ghém. Một dư vị món ăn chỉ có thể tìm thấy ở cao lầu Hội An.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận (0)