Cẩm nang du lịch Đài Loan từ A đến Z
Đài Loan là một hòn đảo xinh đẹp nằm ở khu vực Đông Á, cách Trung Quốc Đại lục hơn 100 km bởi eo biển Đài Loan. Đài Loan còn có tên khác là llha Formosa, có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”.
1. Tổng quan du lịch Đài Loan
Đài Loan là nơi vừa thể hiện được nét đẹp của thiên nhiên phong phú, màu sắc cổ xưa của văn hóa truyền thống lại không kém phần sôi động của đô thị hiện đại nhất nhì châu Á. Đài Loan có diện tích khoảng 36.000 km2 với phần lớn lãnh thổ là các đảo tạo thành.
Thành phố Đài Bắc là trung tâm văn hóa, chính trị có gần 7 triệu người sinh sống, mật độ dân số cao nhất Đài Loan. Với những du khách lần đầu đặt chân tới đây, một số thông tin cơ bản bên dưới sẽ giúp chuyến đi của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Thời gian du lịch thuận lợi nhất trong năm là mùa thu, từ tháng 9 đến tháng 11. Thời tiết lúc này tương đối mát mẻ, dễ chịu, thích hợp để du khách thưởng ngoạn, vui chơi và từ tháng 2 đến tháng 4, thời tiết cũng khô ráo, hoa nở rộ.
2. Kinh nghiệm săn vé máy bay, xin visa
Có khá nhiều hãng mở đường bay từ Việt Nam đi Đài Loan như: Từ Việt Nam có các hãng đi Đài Loan như: Eva Air, China Airlines, Mandarin Airlines, Vietnam Airlines, VietJet Air, Uni Air, Vanilla Air. Giá cả tùy từng hãng, tùy từng đợt khuyến mãi. Tuy nhiên, để “săn” được vé giá rẻ bạn nên mua vé trước từ 3-4 tháng, hoặc đăng ký nhận mail khuyến mãi của các hãng bay, để có thông tin mới nhất về các chương trình khuyến mãi của các hãng này.
Tiền tệ của Đài Loan
Người Đài Loan sử dụng đài tệ (NT), cả tiền giấy và tiền xu. Hiện có 5 mệnh giá tiền giấy: 2.000, 1.000, 500, 200 và 100 NT (100 Đài tệ khoảng 686.000 đồng). Tiền xu có các mệnh giá: 50, 20, 10, 5 và 1 NT.
Bạn nên đổi trước một ít Đài tệ ở nhà để tránh phải đổi tiền ở sân bay, khách sạn, những nơi đắt đỏ nhất. Bạn nên đổi tiền ở các ngân hàng của chính phủ hoặc các máy ATM. Mỗi ngân hàng sẽ có một tỉ giá khác nhau, sau khi đổi tiền trên hóa đơn sẽ ghi rõ khoản phí dịch vụ. Du khách nên kiểm tra thông tin tỉ giá trước.
3. Phương tiện đi lại ở Đài Loan
Đài Loan có hệ thống giao thông công cộng đa dạng, được sắp xếp khoa học và chuyên nghiệp. Hầu như thành phố nào cũng có ga xe lửa trung tâm, và từ đó có các phương tiện giao thông công cộng khác, để hỗ trợ cho du khách đến những lộ trình tiếp theo.
Các phương tiện công cộng ở Đài Loan rất phát triển và sạch sẽ. Tàu điện ngầm di chuyển tới hầu hết các địa điểm tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí. Hệ thống xe bus, tàu cao tốc di chuyển giữa các thành phố cũng rất tiện lợi và khoa học. Xe máy và xe đạp rất phổ biến.
Thậm chí Đài Loan được coi là “country of scooter”. Vì thế nếu có nhiều thời gian, thích nhất là thuê một chiếc scooter chạy khắp Đài Loan để khám phá từng địa điểm, ngóc ngách.
Ở những thành phố lớn như Đài Bắc, Cao Hùng, việc sử dụng xe điện ngầm tiện lợi vô cùng. Tất cả biển hiệu chỉ dẫn đều được ghi bằng tiếng Hoa và tiếng Anh, rất thuận tiện cho khách du lịch.
Du khách có thể đến nhà ga để mua vé, hoặc có thể mua online qua mạng một cách dễ dàng. Bạn có thể sử dụng xe bus, taxi, xe điện ngầm cho việc di chuyển trong nội đô. Nếu định sử dụng phương tiện công cộng, bạn nên mua Easy Card. Thẻ này rất tiện lợi và rẻ. Bạn có thể dùng thể để trả tiền vé đi xe bus, MRT, THSR và mua sắm ở một số cửa hàng như 7eleven hay Pizza Hut… Bạn có thể mua thẻ này ở ngay tại cổng dẫn ra ga tàu hoặc trạm xe bus tại sân bay.
Về thanh toán mua vé cho xe bus hoặc MRT thì bạn có thể vào siêu thì mua thẻ Easy card, đặt cọc 100 Đài tệ và nạp tiền vào thẻ, có thể nạp khoảng 600 Đài tệ (tùy thuộc vào mức sử dụng của bạn). Dùng thẻ này lên xe bus hoặc tàu điện cứ quẹt vào cái hộp tính tiền của tàu là xong. Nếu bạn mua vé từng lần thì giá vé khoảng 20 Đài tệ cho một lần đi, không giới hạn thời gian miễn là bạn vào 1 lần và ra 1 lần. Nếu bạn tự tin với khả năng nắm đường xá thì bạn có thể đi bus sẽ rẻ hơn, với giá khoảng là 7 -10 Đài tệ.
Bạn có thể tới Quầy thông tin của Bộ Du lịch Đài Loan ở sân bay để đăng ký nhận vé xe buýt miễn phí cho chặng đường từ sân bay Taoyuan đến Đài Bắc và ngược lại.
Tải ứng dụng iTaiwan để sử dụng wifi miễn phí tại tất cả các Trung tâm Du lịch. Bạn chỉ cần đăng ký bằng hộ chiếu là có thể truy cập internet dễ dàng ở mọi nơi có tín hiệu “iTaiwan”.
4. Đặt phòng khách sạn
Các công cụ đặt phòng vẫn truyền thống là Agoda, Booking.com hoặc đặt tại Công ty du lịch Neworld Travel, hoặc đi nhóm đông hoặc theo cặp đôi bạn có thể tìm thêm ở Airbnb với phòng căn hộ apartment đẹp. Nhớ đăng ký tài khoản Airbnb theo đường dẫn này để có ngay 20$ trong tài khoản sử dụng đặt phòng.
Kinh nghiệm về đặt phòng khách sạn ở Taiwan là cũng khá giống với khi đi châu Âu, tức là tìm khách sạn ở gần ga trung tâm, từ Taipei, Tainan, Kaohsiung... Việc này giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại vì thường điểm đầu tiên khi đến một thành phố ở Đài Loan chính là ga trung tâm của thành phố đó. Và thường là các ga chính này cũng là trung tâm thành phố với các tụ điểm ăn chơi, khu mua bán sầm uất nên không sợ buồn hay thiếu dịch vụ. Giá phòng cũng không chênh nhau nhiều so với các khu khác.
Những khách sạn tham khảo:
- Taipei – Đài Bắc: Cavemen Hostel Taipei Station Youth Branch – Cách ga trung tâm 5′ đi bộ, toạ lạc trên tầng 7 của một toà nhà ngay mặt đường lớn, phòng đẹp. Khu vực này sầm uất cái gì cũng có, đi lại tiện lợi, cửa hàng tiện lợi, đồ ăn sáng và gần 1 hiệu trà sữa khá ngon.
- Tainan – Đài Nam: Tavern L Hostel – Cách ga Tainan 10′ đi bộ, nhân viên nhiệt tình, phòng không đẹp bằng ở Taipei, cũng ngay mặt đường dễ tìm, ngay bên đường là trạm xe bus.
- Kaohsiung – Cao Hùng: Paper Plane Hostel – Phòng siêu đẹp và công nghệ thông minh, toạ lạc trên tầng 10 của 1 toà nhà lớn, sát ga MRT. Buổi tối nằm ngắm đường phố từ trên cao lung linh.
- Hualien – Hoa Liên: Hualien Wow Hostel – không phải đắn đo nhiều vì khách sạn này quá ổn nằm ngay đối diện ga Hualien.
5. Ẩm thực Đài Loan
- Mì danzi
Mì danzi (mì hàng rong) ở Đại Nam: Thành phố Đại Nam nổi tiếng với món mì danzi, một loại mì ăn kèm với thịt lợn, trứng và tôm. Món ăn có lịch sử lâu đời từ những năm 1895, được phát minh bởi người bán hàng rong Hong Yu Tou. Người Đài Loan vẫn gọi món ăn bằng cái tên dân dã “mì hàng rong”.
- Bánh thái dương ở Đài Trung
Đài Trung là địa điểm lý tưởng để khám phá ẩm thực Đài Loan, nơi các khu chợ đêm sẽ giới thiệu đủ món ăn đặc sản địa phương. Ngoài các món ăn cao cấp, du khách hảo ngọt sẽ thích thú khi đến với đường Tự Do, Trung Chính, Dân Quyền luôn tấp nập các hàng bánh thái dương – loại bánh dẹp, giòn rụm kẹp mạch nha, mật hoặc sốt khoai môn.
- Trà sữa trân châu ở Đài Bắc
Trà sữa trân châu là thức uống không chỉ nổi tiếng tại Đài Loan mà còn phổ biến ở nhiều nước châu Á khác. Cốc trà sữa với những viên trân châu nhỏ, có vị ngọt và dai, trở thành “thương hiệu”. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy đồ uống này trong khu chợ đêm Gongguan với hàng trà sữa Chen San Ding nổi tiếng.
- “Trứng sắt” ở Tamsui
Món ăn có cái tên rất lạ này nổi tiếng khắp vùng Tamsui (Đạm Thủy). Đầu bếp sử dụng trứng gà hoặc trứng chim bồ câu, hầm trong nước tương với các loại gia vị cho tới khi trứng cứng lại, chuyển sang màu đen.
- Đậu hũ thối
Món ăn nổi tiếng này bạn có thể mua ở bất cứ đâu tại Đài Loan. Nếu dám “bịt mũi” lại để thưởng thức thì sẽ thấy món ăn này vô cùng ngon, giòn rụm bên ngoài và nhân bên trong mềm mịn như bánh pudding.
6. Những điểm đến đặc sắc ở Đài Loan
- Hồ Nhật Nguyệt
Thuộc địa phận xã Yuchi, huyện Nantou của miền Trung Đài Loan, hồ Nhật Nguyệt (Sun Moon Lake) là hồ nước tự nhiên lớn nhất Đài Loan với diện tích 7.73km³, nằm ở độ cao 748 m so với mực nước biển, nơi sâu nhất là 27 m. Sở dĩ hồ có tên gọi như vậy vì phía Đông của hồ giống như mặt trời trong khi phía Tây lại giống với mặt trăng.
Nơi đây, mỗi mùa một vẻ. Mùa xuân, hoa đào nở rợp lối đi lên núi. Trời lạnh lây phây, thêm hoa dã quỳ vàng ven hồ, mây trời hồ Nhật Nguyệt xanh trong, thoáng đãng khiến người ta không khỏi nao lòng khi đi thuyền ra hòn đảo Lalu ở giữa hồ.
Mùa thu, trăng tròn vạnh chiếu xuống hồ nước đang phủ một lớp sương mỏng khiến cảnh như thực như hư say mê lòng người. Sau những phút giây miên man và đắm chìm trong vẻ đẹp của sông núi, các bạn có thể đi xung quanh hồ để tham quan các địa điểm thú vị khác như miếu Văn Võ, nơi thờ Quan Công và đức Khổng Tử.
- Ngôi làng cổ Jiufen
Ngôi làng nhỏ trên vách núi nhìn ra bờ biển Đông Đài Loan là địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch Đài Loan. Chỉ nằm cách Đài Bắc 1 giờ đi xe, Jiufen từng là nơi người ta đổ xô đến đào vàng. Ngày nay, khu mỏ đã đóng cửa, Jiufen được tu sửa và đón tiếp du khách với những trà quán thanh bình, những cửa hàng, quán bar, phòng triển lãm rải rác khắp nơi.
Đặt chân đến Jiufen, bạn sẽ được thả hồn theo làn sương mù giăng mắc khắp nơi tạo nên một khung cảnh thiên nhiên huyền ảo. Đặc biệt, bạn còn sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát lạnh từ biển khơi xanh thẳm và phóng tầm mắt ra xa ngắm mây trời, non nước hữu tình.
Từ trung tâm Đài Bắc bạn hãy thuê taxi hay đi bus đến đây, thời gian di chuyển khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Từ ga MRT Zhongxiao Fuxing đi ra cửa Exit 1, tìm bus #1062 và đến Jiufen. Kể cả đi taxi hay xe bus, họ sẽ cho bạn xuống trước cửa của 7 Eleven, từ đó bạn đi vào hẻm phố là tới.
- Tòa nhà Taipei 101
Tòa nhà Taipei 101 ở quận Xinyi, thành phố Đài Bắc cao khoảng 509 m và có tổng cộng 101 tầng là biểu tượng và niềm tự hào của người dân Đài Loan. Ở thời điểm năm 2004, nó được mệnh danh là tòa nhà cao nhất thế giới và danh hiệu đó được giữ vững cho đến tận năm 2010 khi toà tháp Buri Khalifa xuất hiện.
Tòa tháp này có 2 thang máy vận hành với tốc độ 16.83m/giây, du khách đi tầng 5 của tòa tháp lên đến tầng 89 chỉ với 37 giây. Là hình ảnh biểu tượng của Đài Loan nên dễ hiểu vì sao du khách đến Đài Bắc đều không quên lưu lại những hình ảnh với tòa nhà này.
- Alishan
Alishan nằm ở giữa phía Đông của Đài Loan, trải dài trên bốn thị trấn: Fanlu, Zhuqi, Mi Sơn và Alishan; có tổng diện tích 41.520 ha trải dài trên 18 ngọn đồi. Ở đây có tháp Hill cao khoảng 2.663 mét.
5 cảnh quan bạn không nên bỏ lỡ khi đến đây, đó là cảnh mặt trời mọc lộng lẫy, những đám mây trắng bồng bềnh, khu rừng Bách tuyệt đẹp, những bụi cherry thơm lừng và đường ray trong rừng có hình chữ Z độc đáo. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm những người bản địa để trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của họ.
- Thác Shi Fen
Hòn đảo xinh đẹp này có một thác nước được mệnh danh Niagara phiên bản châu Á, dù không hùng vĩ và trải dài trên hai quốc gia như “bản gốc”, thác nước Shi Fen vẫn là một trong những nơi không nên bỏ lỡ để tham quan. Để ngắm nhìn Shi Fen, bạn sẽ phải bước qua một cây cầu cheo leo. Chiều cao thác nước khoảng 20 m và rộng 40 m, đây là thác nước rộng nhất Đài Loan, nằm ở thượng nguồn sông Keelung.
- Núi Dương Minh
Núi Dương Minh (Yang Ming Shan) là một trong 8 vườn quốc gia lớn ở đây, nằm gần trung tâm thành phố Đài Bắc. Đây là ngọn núi có diện tích lớn nhất và đẹp nhất Đài Loan với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp như suối nước nóng, thung lũng, núi lửa…
Núi Dương Minh mở cửa tự do cho khách du lịch đến tham quan. Du khách có thể đi xe bus số 206 từ bến tàu JianTan (đi line tàu cao tốc Danshu từ Đài Bắc), hoặc từ bến tàu đó, bắt taxi lên cũng được. Với những nhóm đông người, từ 5-7 người thì đi taxi cũng khá rẻ.
Trên núi còn có những cửa hàng ăn uống với giá vừa phải, nên nếu ngại chuẩn bị đồ ăn mang theo thì có thể lên đó ăn cũng được. Nhưng vì vườn quốc gia khá rộng lớn, nên tốt nhất là mang theo nước uống và ô, mũ phòng lúc nắng mưa nhé.
Lễ hội đặc sắc ở Đài Loan
- Tết Âm lịch
Cũng như nhiều nơi khác ở châu Á, người Đài Loan đón Tết Âm lịch từ ngày 1 đến ngày 15 của tháng 1 Âm lịch. Tết Nguyên đán (hay còn gọi là lễ hội mùa xuân) là lúc mọi người xua bỏ hết những điều cũ kĩ của năm đã qua và đón chờ những điều mới mẻ. Đi liền với lễ hội này là hoạt động tiễn ông Táo về trời, dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh bò (fagao), bánh gạo (niangao), cúng Giao thừa, đi lễ chùa, thăm hỏi người thân, bạn bè, cúng Thần tài vào mồng 4 và kinh doanh trở lại vào mồng 5.
- Lễ hội đèn trời Bình Khê
Du khách đến với Đài Loan những ngày đầu xuân không nên bỏ lỡ lễ hội đèn trời Bình Khê (Pingxi). Cảm giác hàng nghìn chiếc đèn lung linh, đỏ rực trên nền trời tối là cảnh tượng mà bất kỳ ai chứng kiến cũng không khỏi ngỡ ngàng. Hoạt động truyền thống này xuất phát từ một câu chuyện cổ về dân làng Thập Phần (Shifen) thả đèn lồng lên trời để báo hiệu bình an. Việc thả đèn trời cũng mang ý nghĩa gửi gắm những ước nguyện đến trời cao và bày tỏ lòng thành kính mong điều ước sẽ trở thành sự thật.
- Lễ hội múa sư tử ở Cao Hùng
Lễ hội múa sư tử ở Cao Hùng (Kaohsiung) là hoạt động ấn tượng tiếp theo trong danh sách lễ hội văn hóa thú vị ở Đài Loan. Vũ điệu của sư tử, biểu tượng cho sức mạnh, xuất phát từ khoảng thời gian nông nhàn của người dân, từ đó tạo nên nét văn hóa đặc sắc. Bạn có thể chùa Guangji, quận Qianzhen để thưởng thức những màn biểu diễn đặc sắc này.
7. Những khu chợ đêm nổi tiếng của Đài Loan
- Chợ đêm Thạch Lâm, Đài Bắc
Chợ đêm Thạch Lâm (Shilin) nằm ở quận Thạch Lâm, là chợ đêm lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Đài Bắc, đây không chỉ là một điểm đến quen thuộc của người dân địa phương mà còn thu hút cả du khách nước ngoài. Chợ đêm Thạch Lâm trở nên cực kỳ sống động vào ban đêm khi hàng ngàn người tụ hội về đây, dạo quanh các cửa hiệu và quầy hàng bày đầy ắp đồ, thưởng thức các món ăn ngon.
Chợ đêm Thạch Lâm nổi tiếng với hàng loạt các món ăn truyền thống của Đài Loan như: hot dog nếp kẹp xúc xích, Xiao Long Bao, trứng tráng hàu, gà phi lê chiên, trà sữa chân trâu,… Chợ đêm Thạch Lâm sẽ là nơi thích hợp nhất để bạn ghé thăm nếu muốn tìm hiểu cuộc sống và văn hóa đặc trưng của Đài Loan.
- Chợ đêm Miếu Khẩu, Cơ Long
Chợ đêm Miếu Khẩu nằm ở thành phố Cơ Long (Keelung) là thành phố cảng lớn thứ 2 của Đài Loan, chỉ sau Cao Hùng. Chính vì vậy mà chợ đêm Miếu Khẩu rất nổi tiếng với các món hải sản đặc sắc. Chợ đêm nằm ngay cạnh ngôi đền nổi tiếng Dianji và cái tên Miếu Khẩu có nghĩa là “lối đi đền thờ”. Sở dĩ ngôi đền được đặt tên như vậy bởi trước đây, ngoài ngôi đền thường xuyên có các quán hàng nhỏ nhỏ, người dân mở lên và kê sát cạnh đền để lấy nhờ ánh sáng từ hàng lồng đèn phía trước đền. Dần dần tụ tập thành một khu chợ sầm uất, ngày nay các chủ hàng vẫn thường dùng một hàng lồng đèn để trang trí trước quán.
Đến chợ đêm Miếu Khẩu bạn đừng quên thưởng thức các món ăn từ hải sản, có rất nhiều loại hải sản tươi sống để bạn chọn và chủ quán sẽ chế biến ngay tại chỗ cho.
- Chợ đêm Huaxi, Đài Bắc
Nằm gần đền Longshan, chợ đêm Huaxi là chợ đêm du lịch đầu tiên tại Đài Loan và vô cùng nổi tiếng với những món ăn táo bạo được chế biến từ rắn. Khu chợ nổi bật với một chiếc cổng chào dựng phía đầu chợ, mang đậm nét truyền thống Trung Hoa, cùng những chiếc đèn lồng đỏ để tạo nên dấu ấn đặc trưng thu hút du khách. Dọc hai bên đường là những cửa hàng nổi danh lâu đời bao gồm cả các quán đồ ăn vặt nổi tiếng Đài Loan.
Đặc sản ở chợ đêm Huaxi là rắn, theo người dân địa phương rắn là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Du khách sẽ có dịp được thấy cách thức chuẩn bị rắn để chế biến món ăn, tất nhiên là nó không dành cho những người yếu tim. Đầu tiên những con rắn sẽ được dẫn dụ theo các điệu nhạc, sau đó bị bắt và được chế biến theo món khách hàng đã đặt sẵn. Rượu máu rắn, mật rắn, súp rắn là những món chủ lực được rất nhiều khách hàng yêu cầu. Ngoài ra những món ăn nổi tiếng nhất ở chợ đêm Huaxi là súp mực ống, súp thịt lợn, mì lươn và nhiều món ngon khác nữa.
- Chợ đêm Hoa Viên Đài Nam
Chợ đêm Hoa Viên Đài Nam là chợ đêm lớn nhất và nổi tiếng nhất ở thành phố phía nam của Đài Loan, và chắc chắn đó cũng là một trong những chợ đêm sầm uất nhất Đài Loan. Đặc sản nổi tiếng ở chợ đêm này chính là món “bánh mì quan tài”, món bánh mì thơm ngon có hình dáng gần giống với chiếc quan tài, chứa đầy nước sốt kem ngô. Bạn sẽ không thể tưởng tượng được con số bánh mì khổng lồ được tiêu thụ hằng ngày ở đây. Ngoài ra, còn có một số món ăn đặc sản nổi tiếng khác như tiết canh gia vị, ổi ngâm và trà sữa.
Chợ đêm Hoa Viên Đài Nam còn là một địa điểm thu hút đông đảo giới trẻ bởi có rất nhiều quầy hàng chơi game, pinball hoặc chụp hình với bạn bè, giải trí sau một buổi thưởng thức phủ phê các món ăn ngon lành. Không giống như các chợ đêm khác, vào thứ 5, thứ 7 và chủ nhật, chợ đêm Viên Hoa Đài Nam trở thành một khu chợ hoa nhộn nhịp, bán đủ các loại hoa, các mặt hàng chăm sóc cây cảnh, đặc biệt là các vật dụng chăm sóc hoa lan và cây Banzai.
8. Đặc sản làm quà khi du lịch Đài Loan
Trà
Đài Loan có loại trà rất thơm, vị lại không quá đậm như Trung Quốc đại lục, đặc biệt có trà Ô Long Đông Đỉnh (Olong tea) và Bao Chủng (Pouchong tea) là hai loại rất nổi tiếng. Trà được sản xuất với quy trình lên men đặc biệt tạo hương vị riêng biệt khó quên, thậm chí còn có tác dụng chữa bệnh.
Kẹo đậu phộng Kinmen
Nơi sản xuất kẹo đậu phộng giòn nổi tiếng nhất của Đài Loan là 1 đảo nhỏ của Kinmen. Nơi đây với không khí trong lành khiến khâu sản xuất bánh ở đây tốt hơn bất cứ nơi nào khác. Đậu được nấu chín trong đường mạch nha rồi để nguội và cứng lại. Sau đó, cắt thành các thanh nhỏ, bọc, và đóng gói trong hộp quà tặng hoặc túi nhựa. Du khách có thể mua về làm quà, vừa ngon lại lịch sự.
Bánh dứa
Bánh dứa Đài Loan là sự hòa quyện vị thơm mát, chua tự nhiên của trái dứa, vị dịu ngọt của mạch nha, vỏ bánh mềm tạo nên một sản phẩm giàu chất xơ với hàm lượng vitamin cao.
Bánh kem của Dajia, Đài Trung
Bánh được bọc rất nhiều lớp vỏ nhưng mềm và thơm vô cùng. Đến Đài Loan, bạn có thể mua những hộp bánh mang hương vị bản địa này về làm quà.
Đồ lưu niệm nhỏ
Tại một số nơi như phố cổ Đạm Thủy, Hồng lầu Tây Môn, Cửu Phần… đều bán những đồ lưu niệm nhỏ mang biểu trưng của Đài Loan. Du khách cũng có thể mua những đồ này ở các điểm du lịch nhưng giá cả sẽ đắt hơn.
Kẹo Nougat
Loại kẹo này không chỉ thơm ngon mà còn bổ dưỡng cho sức khoẻ. Với thời gian bảo quản khoảng từ 30 – 40 ngày, du khách có thể mua về làm quà rất tiện lợi.
9. Một số lưu ý khác
Đa số người dân đều nói tiếng Đài Loan - ngôn ngữ của người Hakka, dân tộc lớn nhất sinh sống ở đây. Ở các trường, học sinh được học tiếng Trung Quốc phổ thông. Ngoài ra một số vùng còn nói tiếng Quan Thoại hoặc Phúc Kiến.
Hai ngoại ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Đài Loan là tiếng Anh và tiếng Nhật. Bạn có thể tới các quầy thông tin du lịch để hỏi những điều cần biết bằng tiếng Anh. Còn lại tại các quầy hàng hay cả lái xe taxi cũng thông thạo tiếng Anh.
Về văn hóa, có hai vấn đề cần quan sát, thứ nhất là nụ cười – là cách thân mật để thoát ra khỏi mọi tình huống bất tiện sau đó, thậm chí bạn có sơ suất làm đổ rượu ra áo của chủ nhà, nụ cười sẽ làm cho chủ nhà chắc chắn rằng bận chỉ sơ ý mà thôi. Thứ hai là hãy làm như chủ nhà làm. Nếu chủ nhà chúc rượu bằng tiếng Đài Loan thì bạn không ngại gì mà chúc lại bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, nếu chủ nhà chúc bạn rượu và uống hết cốc, bạn không uống được hết thì cứ thoải mái mà nhấm nháp. Tương tự, những món ăn mà bạn không thích thì không bắt buộc bạn phải ăn.
Người Đài Loan là những người rất chú trọng đến thời trang, vì vậy nếu muốn tạo thiện cảm với họ thì việc ăn mặc lịch sự, phù hợp sẽ ghi được điểm cao.
Trong trang phục hàng ngày người Đài Loan thường tránh màu đỏ, trắng, đen; vì theo họ, trắng đen là màu tang tóc, còn màu đỏ là màu của “hỉ sự”, thường ngày không nên sử dụng.
Trong giao tiếp với người Đài Loan cần chú ý đến một số yếu tố: lễ độ với người lớn tuổi hơn mình, lịch sự, nhã nhặn và có khoảng cách với người khác giới…
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận (0)