Đừng bỏ lỡ 8 món ăn này khi đi tour khám phá miền Tây

Miền Tây với cảnh đẹp hiền hòa, thanh bình cùng con người nồng hậu, xởi lởi từ lâu đã điểm đến thu hút du khách bốn phương. Cùng với sự phong phú của nền ẩm thực đã làm cho thực khách xao xuyến.

Nếu có dịp tham gia tour du lịch miền Tây bạn đừng bỏ lỡ 8 món ăn gây thương nhớ này nhé!


Vọp nướng chấm muối tiêu

Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, bởi thế nó trở thành món ăn quý hiếm. Vọp nướng mang hương vị rất đặc biệt khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi. Để chế biến được ngon thì phải lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước. Ướp gia vị gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều và bắt đầu nướng vọp, có thể nướng nhiều con cùng một lúc. Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt.


Ba khía Rạch Gốc luộc sả

Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa đến nay. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hằng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn quả mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các vùng khác.

Ba khía luộc sả là một món ăn khá đơn giản những rất được yêu thích. Nét độc đáo của món ăn này là phần nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa miệng. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với vị cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ.


Bánh cống

Ảnh: hieuricky

Đến Sóc Trăng bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc xe bán bánh cống vàng rộm ở dọc đường hay trong các khu chợ bởi đây chính là món bánh quen thuộc của đồng bào Khmer. Điều đặc biệt của bánh cống nằm ở chỗ, nguyên liệu làm vỏ bánh không phải là bột mì hay bột gạo, mà nó là sự hòa quyện giữa đậu nành và gạo nên rất thơm. Nhân bánh thì được làm từ thịt heo với tôm bóc vỏ bằm nhuyễn nằm gọn bên trong lớp vỏ vàng tươi. Bánh cống ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt, bánh đậm đà giòn rụm cùng vị thanh mát của rau. Chỉ đơn giản vậy thôi mà làm bao thực khách phải lưu luyến.


Bánh bò thốt nốt

Một trong những món bánh tuyệt hảo của người An Giang làm từ thốt nốt là bánh bò thốt nốt. Bánh làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt (bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung với bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng), đường thốt nốt, nước cốt dừa. Bánh bò thốt nốt màu vàng ươm, gói trong lá chuối xiêm, phía trên rắc dừa nạo, trông rất hấp dẫn. Bánh ăn ngon nhất khi còn nóng hổi, ăn chậm rãi để thưởng thức vị ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của thốt nốt tan trong miệng, ngon đến nỗi bạn có thể ăn no mà không ngán.


Bún cá Chấu Đốc

Được du nhập từ Campuchia bún cá Châu Đốc được người Việt khéo léo sáng tạo thành một món ăn nổi tiếng của An Giang theo một cách rất riêng. “Linh hồn” của món này nằm ở vị nước lèo được nêm nếm từ mắm cá linh và mắm ruốc. Nước lèo có màu vàng nhạt do còn có thêm củ nghệ giã nát. Bắc trên bếp lửa riu riu, cá hoà cùng nước hầm xương tạo nên độ hấp dẫn. Ngày nay, nhiều nơi còn hầm thêm xương ống để nước ngọt hơn và phục vụ kèm thịt heo quay và trứng vịt lộn. Trong tô bún có các loại rau ở dưới cùng như bông điên điển, một đặc sản từ những cánh đồng miền Tây.


Vịt nấu chao

Tại Cần Thơ, vịt nấu chao là một món ngon có cách chế biến không quá công phu được nhiều người ưa thích. Vịt sau khi làm sạch được thoa một lớp nước gừng và rượu, chặt miếng vừa ăn, ướp gia vị. Chao - "linh hồn" của món ăn - sẽ được ướp cùng với những miếng thịt vịt đã chặt nhỏ trước khi đem đi hầm. Bên trong nồi lẩu còn có huyết, khoai môn và nấm rơm khiến nước lèo thêm độ ngọt. Ngoài ướp với thịt vịt, chao còn được cho trực tiếp vào nước lèo, tăng độ đậm đà. Một nồi vịt nấu chao được ăn kèm với bún, mì sợi và các loại rau như: rau muống, mồng tơi, cải xanh, kèo nèo... Những ngày trời mưa se lạnh mà thưởng thức món vịt nấu chao nóng hổi với hương vị thơm ngậy, ngọt bùi của khoai cau thì không còn gì bằng.


Pizza hủ tiếu Sáu Hoài

Không phải ngẫu nhiên mà quán hủ tiếu Sáu Hoài tiếp đón từ 300 đến 400 lượt khách mỗi ngày. Ngoài những trải nghiệm thú vị trong công đoạn sản xuất sợi hủ tiếu thì các món hủ tiếu mới lạ tại quán cũng rất được ưa chuộng. Hai món đầu tiên phải nói đến đó là hủ tiếu chiên và hủ tiếu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa mà các thực khách nước ngoài yêu thích và đặc cho một cái tên nữa Tây nữa Việt “pizza hủ tiếu”.

Nếu những chiếc pizza truyền thống mang đặc trưng với phần đế là bột nướng thì món pizza này lại được sáng tạo bằng một loại nguyên liệu rất quen thuộc, sợi hủ tiếu. Người ta dùng loại hủ tiếu bột lọc, trụng chín rồi chiên nhanh trong chảo dầu nóng đến khi chúng vàng đều thì vớt ra. Thú vị là phần hủ tiếu chiên có hình tròn to và giòn rụm trông rất giống pizza. Tuy nhiên điểm nhấn của món ăn này chính là phần topping ăn kèm. Không phải thịt bò, sốt cà hay phô mai quen thuộc mà là trứng chiên, thịt khìa và rưới ngập nước cốt dừa béo thơm. Điểm xuyết thêm là mùi thơm của hành ngò, đậu phộng rang bùi bùi tạo nên chiếc pizza gói trọn hương vị miền Tây.


Bánh củ cải

Ảnh: Alex Tran

Mang vị ngọt nhưng lại pha lẫn chút đắng nơi đầu lưỡi, bánh củ cải là món đặc sản Bạc Liêu khiến nhiều du khách thích thú.

Bánh củ cải có nguồn gốc của người Hoa. Đi vào chợ Bạc Liêu dạo một vòng, bạn sẽ thấy có một vài chỗ bán bánh củ cải. Bánh củ cải có bao ngoài làm bằng bột mỳ trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh chính là phần quyết định chất lượng của món ăn. Trong nhân có tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn. Pha nước mắm chanh, đường, tỏi ớt cho vừa ăn như nước chấm ăn bánh xèo. Bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, giấp cá, húng nhủi, húng cây, quế và ít xà lách. Bánh thơm, hăng hăng và đặc biệt ngọt vị của con tôm đất.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ:

Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn

Bài viết cùng danh mục:

Bình luận (0)

Viết Bình luận