Du lịch bội thu mùa Tết Nguyên đán, các điểm đến tâm linh bắt đầu đông khách
Thống kê sơ bộ từ các địa phương và các đơn vị du lịch cho thấy, lượng khách tăng trưởng khá cao, nhất là khách nội địa. Từ nay đến hết tháng Giêng, du lịch lễ hội, du lịch hành hương vẫn là xu thế chủ đạo.
Lượng khách tăng khá
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ ngày 14 đến ngày 20/2/2018 ; tức từ 29/12 Đinh Dậu đến hết ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất), tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt gần 375.000 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt gần 125.000 lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, khách nội địa ước đạt 250.000 lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Du khách đi lễ hội chùa Hương.
Còn theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Quảng Ninh đón khoảng 900.000 lượt khách, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 150.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ. Công suất buồng khách sạn từ 3-5 sao đạt 80 - 90%, một số khách sạn 4- 5 sao đạt 100% công suất. Để thu hút và phục vụ du khách đến Quảng Ninh trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2018, ngành Du lịch Quảng Ninh đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ du khách. Hầu hết các địa phương, trung tâm du lịch của tỉnh đều diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian tạo ấn tượng với du khách. Các đơn vị kinh doanh du lịch đều tổ chức những hoạt động đón chào năm mới, tạo cho du khách có cơ hội trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, thưởng thức hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam. Những hoạt động này đã tạo không khí vui tươi phấn khởi đối với khách du lịch, qua đó góp phần quảng bá văn hóa đặc sắc, ẩm thực hấp dẫn của Quảng Ninh - Việt Nam.
Thời điểm đầu năm cũng là mùa lễ hội, nên lượng khách du lịch nội địa đến tham quan, bái lễ tại các khu danh thắng, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Một số điểm du lịch tâm linh như Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu... mỗi ngày thu hút hàng vạn du khách thập phương. Chỉ tính riêng trong ngày mùng 1 Tết, Khu di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đã thu hút khoảng 30.000 lượt khách. Còn theo thông tin từ Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (thành phố Uông Bí), tính đến ngày mùng 4 Tết, lượng khách hành hương về Yên Tử đạt khoảng 50.000 lượt. Lượng khách đến Yên Tử vẫn tiếp tục tăng trong tháng Giêng khi bước vào mùa lễ hội.
Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, dịp Tết Nguyên đán 2018, Đà Nẵng đón khoảng 296.972 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế khoảng 132.079 lượt, tăng 27,6%; khách nội địa đạt 164.983 lượt, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, do thời tiết thuận lợi, khách nội địa có xu hướng đi du lịch từ sau mồng 1 Tết và lượng khách này chủ yếu vẫn từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế tăng cao do dịp Tết Nguyên đán là mùa du lịch đối với các thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt kiều.
Lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tăng cao đó là dịp này thành phố có thêm một số đường bay quốc tế trực tiếp mới được đưa vào khai thác. Theo thống kê, trong kỳ nghỉ lễ từ 14 đến 20/2 (tức 29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng), đã có 269 chuyến bay đưa 22.410 lượt khách quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thành phố cũng có thêm 41 khách sạn từ 3 đến 5 sao và tương đương cùng 43 khách sạn 1 đến 2 sao mới đi vào hoạt động giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn, làm tăng sức hút của du lịch Đà Nẵng.
Điểm đến mới “Hoa vàng trên cỏ xanh” Phú Yên cũng thu hút đông du khách. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Phú Yên, tại một số điểm du lịch thắng cảnh nổi tiếng của Phú Yên như Gành Đá Đĩa và nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Bãi Môn - Mũi Điện có hơn 50.000 lượt khách tham quan, tăng khoảng 25% so cùng kỳ Tết 2017. Riêng tại danh thắng Gành Đá Đĩa, khách tham quan mỗi ngày hơn 14.000 lượt, tăng gấp gần 2,5 lần so ngày cao điểm Tết 2017. Các cơ sở lưu trú đón tiếp hơn 30.180 lượt khách, tăng 11% so cùng kỳ Tết 2017. Năm nay, khách du lịch đến Phú Yên chủ yếu từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Tây Nguyên; đặc biệt có 450 lượt khách quốc tế đến từ các nước: Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nở rộ các tour lễ hội, hành hương
Dịp sau Tết thường là thời gian bùng nổ của loạt tour hành hương đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của khách Việt, cùng với đó là cụm tour ngắm hoa xuân nở rộ trên khắp thế giới. Theo ông Lê Công Năng, đại diện Vietranstour, đơn vị chuẩn bị 3.000 suất tour hành hương, ngắm hoa với lịch khởi hành liên tục từ sau rằm tháng Giêng đến hết tháng 4/2018 với các ưu đãi miễn visa, chuyến bay riêng… giá dao động từ 750.000 đồng đến hơn 50 triệu đồng.
Cụ thể, cụm tour hành hương dự đoán sẽ thu hút đông khách đăng ký dịp đầu năm hội tụ nhiều điểm đến tôn giáo, linh thiêng trong và ngoài nước thu hút khách có chi phí rẻ chỉ từ 750.000 đồng với lịch trình ngắn 1 – 3 ngày, khởi hành hàng tuần gồm tour Chùa Hương – Đền Đức Thánh Cả (1 ngày) giá 750.000 đồng; Yên Tử - Chùa Ba Vàng (1 hoặc 2 ngày) giá 750.000 đồng; tour Sapa (2 ngày) giá 1,99 triệu đi cáp treo chinh phục “nóc nhà Đông Dương” Fanxipan và lễ đền thờ ông Hoàng Bảy…
Đối với nhóm tour hành hương quốc tế, Vietrantour giới thiệu tour hành hương về núi Phật khổng lồ Khao Chi Chan (Thái Lan) 5 ngày giá từ 5,58 triệu đồng; chiêm bái 2 ngôi đền thiêng nhất Myanmar 4 ngày giá từ 8,99 triệu đồng; tour khám phá kiến trúc tôn giáo kỳ vĩ nhất Angkor Wat (Campuchia) 4 ngày giá 10,99 triệu đồng...
Còn Hanoiredtours giới thiệu chùm tour ngắm hoa anh đào tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ; Tây Bắc mùa hoa mận, Tây Nguyên mùa hoa cafe… Theo đại diện Hanoiredtour, ngày đầu tiên đi làm lại của năm Mậu Tuất 2018, hàng trăm khách đăng ký tour du xuân với doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Một trong những lý do khiến cho du khách đăng ký tour dịp đầu xuân đông này đó là : giá tour hợp lý, khởi hành đúng vào mùa xuân khi cảnh quan và thời tiết rất thích hợp cho việc du xuân, giá cả hợp lý.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Ảnh: XC
Trong khi đó ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Neworld Travel cho biết: Từ nay đến hết tháng Giêng, du khách chủ yếu lựa chọn đi du xuân. Tuy nhiên, do thói quen của người Việt đến sát ngày mới chọn tour nên giá thuê dịch vụ xe ôtô thường tăng 40-50%, thậm chí tăng gấp đôi vào ngày cuối tuần. Đơn vị cũng đang triển khai tour hành hương đi Vũng Chùa (Quảng Bình) – Nghĩa trang Trường Sơn – Động Phong Nha – Ngã ba Đồng Lộc… với chi phí gần 3,5 triệu đồng, khởi hành hàng tuần bắt đầu từ tháng 3/2018.
Theo Hiệp hội lữ hành Việt Nam, với tâm lý cầu tài, cầu lộc đầu xuân, các điểm đến du lịch tâm linh là đền chùa gắn với phong cảnh thiên nhiên đẹp vẫn là những điểm đến hấp dẫn du khách. Những thông tin về công tác quản lý lễ hội cho thấy sự chuẩn bị của ban tổ chức các địa phương làm khá tốt, nhất là vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông.
XC/Báo Tin tức
Bình luận (0)